Hàng hóa không rõ nguồn gốc
( Theo :http://www.nhandan.com.vn)
|
Chủ động phòng chống đói, rét cho vật nuôi
( Theo :https:/)
Trước tình hình thời tiết vụ Đông 2019 có thể sẽ diễn biến phức tạp, khó lường, rét đậm, rét hại kéo dài, ảnh hưởng xấu đến đàn vật nuôi, ngành nông nghiệp tỉnh Tuyên Quang đang đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn, vận động người chăn nuôi chủ động phòng, chống dịch bệnh, đói rét cho gia súc, gia cầm nhằm giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại, nâng cao thu nhập cho hộ chăn nuôi.
Năm nay, gia đình ông Tống Văn Thuận, thôn 5, xã Thái Bình, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang đã chủ động sửa chữa chuồng nuôi, chuẩn bị rơm, rạ, trồng thêm cỏ voi làm thức ăn dự trữ cho trâu, bò của gia đình. Ông Thuận cũng đã tiêm vắc xin phòng chống bệnh, tật cho đàn vật nuôi theo hướng dẫn của cán bộ thú y để đảm bảo sức khỏe cho đàn vật nuôi khi mùa đông đến.
Ông Thuận cho biết, gia đình ông thường xuyên quét dọn, vệ sinh giữ cho chuồng trại luôn sạch sẽ, khô ráo, quây bạt chống gió lùa khi nhiệt độ xuống thấp. Khi nhiệt độ xuống dưới 12 độ, tuyệt đối không thả rông vật nuôi ngoài trời, đồng thời chuẩn bị thức ăn dự trữ cho gia súc khi có rét đậm, rét hại kéo dài. Mỗi khi nhiệt độ xuống quá thấp có thể đốt lửa để sưởi ấm cho trâu, bò.
Xã Thái Bình, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang có tổng đàn, trâu bò gần 600 con. Để đảm bảo đủ nguồn thức ăn và phòng chống đói rét cho đàn gia súc của địa phương trong mùa đông, UBND xã Thái Bình đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các hộ chăn nuôi bảo vệ, chăm sóc tốt diện tích cỏ hiện có, dự trữ các loại thức ăn thô, xanh như cỏ, lá ngô, rơm khô làm thức ăn cho đàn gia súc…
Ông Nguyễn Mạnh Dũng, Chủ tịch UBND xã Thái Bình, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang cho biết, xã đã cử cán bộ thú y trực tiếp xuống thôn, bản tuyên truyền, hướng dẫn cho bà con những phương pháp phòng chống đói rét, dịch bệnh cho gia súc, gia cầm nhằm giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra trên đàn vật nuôi khi nhiệt độ xuống thấp.
Những năm gần đây trên địa bàn xã không có hiện tượng trâu, bò bị chết rét trong mùa đông. Để chủ động phòng chống đói, rét, dịch bệnh cho vật nuôi trong mùa đông, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tuyên Quang đã chỉ đạo hệ thống thú y, khuyến nông phối hợp chặt chẽ với các địa phương hướng dẫn cho các tổ chức, cá nhân chăn nuôi trên địa bàn xây dựng chuồng nuôi khô ráo, sạch sẽ, có chất độn chuồng sạch; đảm bảo số hộ chăn nuôi trâu, bò có dự trữ đủ thức ăn thô xanh để ủ chua thức ăn cho trâu, bò, đặc biệt là các mô hình chăn nuôi trâu, bò vỗ béo theo chuỗi liên kết.
Những hộ chăn nuôi trâu, bò số lượng lớn thả trên rừng phải làm lán tạm ở những nơi ít gió lùa, tuyệt đối không thả rông gia súc…
Ông Nguyễn Văn Công, Chi cục trưởng, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Tuyên Quang cho biết, đơn vị cũng đã chủ động tham mưu cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng và triển khai phương án phòng chống đói rét, phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi trên địa bàn toàn tỉnh.
Chi cục phân công cán bộ địa bàn theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh gia súc, gia cầm tại cơ sở để kịp thời phát hiện khi có dịch bệnh xảy ra và báo cáo ngay về Chi cục để có biện pháp khống chế kịp thời, không để lây lan ra diện rộng.
Bên cạnh đó tăng cường kiểm tra, rà soát kết quả tiêm phòng gia súc, tổ chức tiêm phòng bổ sung đảm bảo 100% số gia súc, gia cầm trong diện tiêm phòng bắt buộc được tiêm phòng theo quy định; thực hiện nghiêm việc kiểm dịch vận chuyển, giết mổ gia súc, gia cầm đảm bảo đúng theo quy định.
Tổng đàn trâu, bò của tỉnh Tuyên Quang hiện có trên 140.000 con, lĩnh vực chăn nuôi chiếm trên 40% giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh, đây là nguồn lực kinh tế quan trọng giúp người dân nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo hiệu quả.
Quang Cường (TTXVN)
|
Tái diễn tình trạng sai phạm tại nhiều dự án chung cư TP Hồ Chí Minh
( Theo :https:/)
Vi phạm pháp luật về trật tự xây dựng tại các chung cư trên địa bàn TP Hồ Chí Minh tiếp tục diễn biến phức tạp, khi chủ đầu tư không chấp hành nghiêm quyết định xử phạt vi phạm hành chính mà còn dây dưa, đôi co và phủ nhận sai phạm.
Mới đây, UBND quận 8 đã phải xin ý kiến UBND thành phố, Sở Xây dựng, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Công an thành phố có biện pháp xử lý đối với sai phạm của Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển địa ốc Khang Gia là chủ đầu tư chung cư Khang Gia (phường 4, quận 8).
Chung cư Khang Gia, quận Tân Phú xây dựng sai thiết kế bị người dân khiếu nại về cấp giấy chủ quyền căn hộ.
Theo báo cáo của UBND quận 8, tại chung cư Khang Gia, chủ đầu tư đã vi phạm khi bàn giao căn hộ cho người dân khi chưa được nghiệm thu hoàn thành, chưa hoàn tất nghiệm thu phòng cháy chữa cháy, tự ý phân chia khu thương mại dịch vụ thành căn hộ và ký bán cho người dân (tự bố trí 15 căn hộ trong khu thương mại sang căn hộ ở).
UBND Tp. Hồ Chí Minh đã ban hành Quyết định số 1576/QĐ-XPVPHC với số tiền phạt 285 triệu đồng và buộc khắc phục hậu quả, nhưng đến nay chủ đầu tư vẫn chưa chấp hành. Gần đây nhất, tháng 11/2019, UBND quận 8 đã ban hành Quyết định số 6003/QĐTĐC-UBND về đình chỉ hoạt động đối với chung cư Khang Gia, yêu cầu chủ đầu tư khắc phục các sai phạm. Thanh tra Sở Xây dựng cũng đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính vì xây dựng sai phép, buộc tháo dỡ, khắc phục hậu quả, nhưng chủ đầu tư chưa thực hiện.
Còn tại quận 2, Thanh tra Sở Xây dựng thành phố phối hợp với UBND phường Bình Khánh kiểm tra và phát hiện công trình xây dựng tại chung cư Khởi Thành (tên thương mại là Paris Hoàng Kim) do Công ty TNHH Xây dựng và Kinh doanh Khởi Thành làm chủ đầu tư vi phạm trật tự xây dựng.
Dự án có tổng diện tích 7.079m2 (bao gồm diện tích thuộc rạch và hành lang bảo vệ rạch phía Đông Bắc) với khu nhà liền kề và chung cư cao 26 cao tầng (412 căn hộ), cây xanh nội khu, đất giao thông.
Theo biên bản làm việc của UBND phường Bình Khánh, quận 2, công trình xây dựng tại dự án sai và khác với nội dung trong giấy phép xây dựng. Cụ thể, xây dựng cọc tường vây trên phần khoảng lùi so với ranh giới đất. Trong biên bản làm việc, Công ty TNHH Xây dựng và Kinh doanh Khởi Thành cam kết tạm ngưng thi công khu vực đường trước nhà dân đang tranh chấp phần tường đối với chủ đầu tư.
Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên TTXVN chiều 11/12, ông Phan Chí Hiếu, Phó Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng và Kinh doanh nhà Khởi Thành cho rằng: “Bên công ty từ xưa đến nay không sai, việc kiểm tra của cơ quan chức năng là nhất thời"!
Trước đó, hàng loạt sai phạm cũng đã xảy ra tại nhiều dự án chung cư buộc UBND Tp. Hồ Chí Minh phải chuyển hồ sơ qua cơ quan điều tra; trong đó có dự án Trung tâm thương mại và xây dựng Bảy Hiền Tower (quận Tân Bình), Trung tâm thương mại căn hộ cao cấp Dragon Court (quận 7), Khu dân cư Bắc Rạch Chiếc (quận 2), chung cư Khang Gia (quận Tân Phú)…
Trần Xuân Tình (TTXVN)
|
Nâng cao giá trị xuất khẩu cá tra thích ứng với thị trường thế giới
( Theo :https:/)
Ngày 11/12, tại thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp cùng Hiệp hội cá tra Việt Nam và UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức diễn đàn “Nâng cao gia trị xuất khẩu sản phẩm cá tra thích ứng với thị trường thế giới”.
Tại diễn đàn, nhiều đại biểu cho rằng, cá tra là sản phẩm có lợi thế của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, hoàn toàn có thể sản xuất nâng cao sản lượng và chất lượng đáp ứng tất cả các tiêu chuẩn nhập khẩu của các thị trường khó tính và tiềm năng.
Trong bối cảnh mới, việc tham gia, ký kết các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như: CPTPP, EVFTA…, ngành cá tra đứng trước cơ hội lớn để tăng sản xuất và xuất khẩu. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn tồn tại những rào cản như: chất lượng và sản lượng không ổn định, thị trường tiêu thụ với những yêu cầu thay đổi và ngày càng khắt khe.
Vì vậy, vấn đề cấp thiết để đảm bảo sự phát triển bền vững ngành nuôi và chế biến cá tra Việt Nam là làm thế nào để gia tăng sản lượng nguyên liệu phục vụ chế biến xuất khẩu, nhưng vẫn đảm bảo chất lượng sản phẩm, giá thành hợp lý, thân thiện môi trường trong sản xuất; duy trì và mở rộng thị trường xuất khẩu, gia tăng sản phẩm cá tra tiêu thụ nội địa.
Các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra và các địa phương như An Giang, Đồng Tháp cho biết thêm, hiện nay ngành hàng này đối diện với nhiều khó khăn như: chất lượng giống cá tra ngày càng suy giảm khiến tỷ lệ hao hụt ở giai đoạn nuôi thương phẩm tăng cao, hiệu quả sản xuất thấp. Mặt khác, liên kết chuỗi trong sản xuất cá tra bị ảnh hưởng lớn do trước đây giá cá tra thương phẩm cao nên xuất hiện tình trạng người nuôi chủ động xin không tham gia liên kết sản xuất.
Về thị trường, với tỷ trọng gần 32%, Trung Quốc hiện giữ vị trí đầu về nhập khẩu cá tra Việt Nam, nhưng đây lại là thị trường không ổn định, nhiều rủi ro. Bên cạnh đó, ảnh hưởng từ thuế chống bán phá giá của Bộ Thương mại Hoa Kỳ cũng tác động lớn đến kim ngạch xuất khẩu với mức giảm 30% so với cùng kỳ năm 2018.
Ông Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch Hiệp hội cá tra Việt Nam cho biết, năm 2019 là năm ngành hàng cá tra ở Đồng bằng sông Cửu Long có nhiều biến động từ khâu sản xuất, tiêu thụ đến xuất khẩu trên các thị trường. Ước tính sản lượng năm 2019, ngành hàng cá tra đạt khoảng 1,2 triệu tấn, giảm 6% so với năm 2018. Giá cá tra biến động và duy trì ở mức thấp, khoảng 20.000 đồng/kg, kim ngạch xuất khẩu đạt 2 tỷ USD, giảm 10% so với năm 2018.
Dây chuyền chế biến phi lê cá tra xuất khẩu tại nhà máy của Công ty Cổ phần Đầu tư & Phát triển Đa Quốc gia (Tập đoàn Sao Mai) ở Cụm công nghiệp Vàm Cống, huyện Lấp Vò (Đồng Tháp). Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN
Trước thực trạng trên, nhiều đại biểu cho rằng thời gian tới cần ứng dụng công nghệ sinh học trong lai tạo giống và phòng bệnh cho loài thủy sản có giá trị kinh tế; nâng cao năng lực chế biến cá tra đáp ứng thị trường xuất khẩu; quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm trong chế biến cá tra xuất khẩu...
Ông Trần Văn Công, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản thông tin, ngành sản xuất cá tra hiện có 5.400 ha nuôi tập trung nhiều ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, với tổng sản lượng 1,512 triệu tấn. Hầu hết các cơ sở nuôi đều áp dụng các chương trình quản lý chất lượng, an toàn dịch bệnh như: VietGAP, GlobalGAP, ASC, BAP…
Về cơ sở chế biến cá tra, cả nước có trên 100 cơ sở chế biến cá tra với tổng công suất thiết kế ước đạt 1,5 triệu tấn nguyên liệu/năm. Các cơ sở được trang vị máy móc thiết bị và công nghệ hiện đại, đáp ứng tốt các yêu cầu, tiêu chuẩn của thị trường xuất khẩu. Đặc biệt, thiết bị, công nghệ sản xuất phụ phẩm dầu cá và bột cá tra tương đối hiện đại, đồng bộ.
Tuy nhiên, khâu chế biến, cơ cấu sản phẩm chưa hợp lý khi sản phẩm đông lạnh chiếm trên 92%, các sản phẩm giá trị gia tăng chưa được quan tâm đúng mức khiến các phụ phẩm từ đầu, xương, da, vây cá, nội tạng,… tạo ra sản phẩm cao cấp chưa nhiều. Trong khi đó, cạnh tranh không lành mạnh dẫn đến chất lượng sản phẩm giảm sút.
Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho biết, để phát triển ngành hàng cá tra trong thời gian tới cần tăng cường quản lý, áp dụng tiến bộ kỹ thuật để tạo ra sản phẩm và nâng tỷ trọng sản phẩm giá trị gia tăng; quản trị sản xuất và áp dụng các biện pháp giảm giá thành trong khâu chế biến.
Đồng thời, nâng cao tỷ lệ nhà máy chế biến tự đầu tư vùng nuôi và liên kết chặt chẽ với cơ sở nuôi, đảm bảo truy xuất nguồn gốc sản phẩm; tăng cường giám sát, kiểm tra điều kiện sản xuất, chất lượng, an toàn thực phẩm. Trước mắt, không đầu tư phát triển thêm cơ sở chế biến sản phẩm sơ chế phi lê đông lạnh vì đã thừa công suất (40%), thay vào đó đầu tư, nâng cấp cơ sở chế biến sản phẩm giá trị gia tăng, sản phẩm từ phụ phẩm cá tra, sản phẩm phi thực phẩm.
Chương Đài (TTXVN)
|
Những hệ lụy quanh việc tranh chấp thương hiệu ''''Fiditour''''
( Theo :https:/)
Chiều 11/12, tại buổi họp báo về thương hiệu Fiditour do Công ty cổ phần Fiditour tổ chức, ông Nguyễn Đặng Quang Vinh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Fiditour cho biết, hiện doanh nghiệp này gặp rất nhiều khó khăn khi đang liên quan tới vụ việc “tranh chấp” thương hiệu.
Theo ông Nguyễn Đặng Quang Vinh, Công ty cổ phần Fiditour tiền thân là Công ty Thương mại dịch vụ du lịch Tân Định TP Hồ Chí Minh, hoạt động kinh doanh chính trong lĩnh vực dịch vụ lữ hành nội địa và quốc tế. Qua 30 năm xây dựng và phát triển (1989 - 2019), hiện nguồn ngân sách nhà nước tại Công ty cổ phần Fiditour là 19,64% do Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn - Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên (Saigontourist) làm chủ đại diện.
Tuy nhiên, ngày 7/3/2019, Hội đồng quản trị (HĐQT) của Công ty cổ phần Fiditour, do ông Nguyễn Việt Hùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị đã lợi dụng việc giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý điều hành hoạt động của Công ty cổ phần Fiditour thông qua việc góp vốn thành lập Công ty cổ phần Lữ hành Fiditour tại Nghị quyết 05/NQ.HĐQT.FIDI chuyển toàn bộ tài sản của Công ty cổ phần Fiditour sang Công ty cổ phần Lữ hành Fiditour - là doanh nghiệp do ông Nguyễn Việt Hùng làm Chủ tịch Hội đồng quản trị làm cổ đông sáng lập.
Trước những vi phạm trái với Điều lệ Công ty và Luật Doanh nghiệp, ngày 18/4/2019, Đại hội đồng cổ đông đã ra Nghị quyết số 01/NQĐHĐCĐ.FIDI.2019 bãi nhiệm ông Nguyễn Việt Hùng và các thành viên Hội đồng quản trị cũ, đồng thời hủy việc góp vốn của Công ty cổ phần Fiditour về việc thành lập Công ty cổ phần Lữ hành Fiditour dưới mọi hình thức.
Mặc dù vậy, hiện nay việc vẫn tồn tại song song 2 thương hiệu Fiditour trên thị trường của 2 Công ty cổ phần Fiditour và Công ty cổ phần Lữ hành Fiditour, cùng hoạt động trong lĩnh vực lữ hành, du lịch đã khiến cho nhiều khách hàng, đối tác, cơ quan nhà nước bị nhầm lẫn. Ngoài ra, tranh chấp thương hiệu Fiditour giữa Công ty cổ phần Fiditour và Công ty cổ phần Lữ hành Fiditour đã gây ra nhiều thiệt hại về danh dự, uy tín và doanh thu.
Theo ông Trần Giang Khuê, đại diện Cục Sở hữu trí tuệ tại TP Hồ Chí Minh, việc thành lập ra Công ty cổ phần Lữ hành Fiditour thì có xâm hại quyền sở hữu trí tuệ hay tên thương mại của Công ty cổ phần Fiditour hay không là vấn đề cần giải quyết cấp bách. Đặc biệt, sự nhập nhằng trong việc sử dụng thương hiệu Fiditour đã làm giảm đi tầm ảnh hưởng thương hiệu Fiditour ở trong nước, trở thành rào cản của mục tiêu mở rộng thị trường và vươn tầm quốc tế.
Còn Luật sư Nguyễn Anh tuấn, Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh cho biết, cổ phần hóa của doanh nghiệp nhà nước đã và đang là vấn đề “nóng”. Đối với trường hợp của thương hiệu Fiditour có ảnh hưởng đến vốn sở hữu nhà nước, hơn thế nữa là có dấu hiệu chiếm đoạt tài sản và lợi dụng chức vụ quyền hạn để chiếm đoạt tài sản.
Công ty cổ phần Fiditour đã gửi đơn khiếu nại lên cơ quan quản lý tại TP Hồ Chí Minh về tranh chấp, nhầm lẫn thương hiệu giữa Công ty cổ phần Fiditour và Công ty cổ phần Lữ hành Fiditour; các sai phạm của Ban điều hành cũ của Công ty cổ phần Fiditour liên quan đến lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản…
Bên cạnh đó, Công ty cổ phần Fiditour kỳ vọng cơ quan chức năng xử lý tranh chấp về việc sử dụng thương hiệu Fiditour.
Mỹ Phương (TTXVN)
|
Trung du và đồng bằng Bắc Bộ có nguy cơ hạn hán rất cao
( Theo :https:/)
Ngày 11/12, Đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn do Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp dẫn đầu đã đi kiểm tra công tác chuẩn bị lấy nước phục vụ gieo cấy lúa Đông Xuân 2019 - 2020 trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Công nhân Trạm bơm Phù Sa xã Viên Sơn, thị xã Sơn Tây kiểm tra thiết bị hệ thống máy bơm sẵn sàng lấy nước phục vụ gieo cấy lúa. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN
Theo Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp, số liệu thủy văn đến thời điểm này cho thấy, chưa bao giờ mực nước sông Hồng thấp như năm nay. Tổng lượng nước thiếu trên toàn vùng đồng bằng sông Hồng khoảng 7 tỷ m3 so với trung bình nhiều năm, do đó nguy cơ hạn hán rất cao.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã làm việc với các đơn vị liên quan, đặc biệt là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) để đảm bảo mục tiêu phát điện, nước sạch nhưng cũng phải đảm bảo cho phát triển nông nghiệp.
Với điều kiện năm nay, việc xả nước sẽ cố gắng giữ được mực nước tối đa có thể để các địa phương có thể lấy được nước. Ngành khuyến cáo địa phương chủ động lấy nước, tích nước vào kênh mương, hồ ao… để sẵn sàng cho mùa vụ. Địa phương cũng cần đảm bảo gieo trồng tập trung cũng như dịch chuyển ngay sang cây trồng khác đối với các vùng đã được xác định hạn.
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cũng cho biết, theo kịch bản lấy nước hiện nay sẽ cần xả khoảng 5 tỷ m3. Với mực nước còn hiện nay tại các hồ, sau khi xả nước, các hồ sẽ gần như về mực nước chết, trung bình còn khoảng 9% dung tích hữu ích. Trong khi đó vẫn còn khoảng 5 tháng nữa mới đến mùa mưa và điều này sẽ ảnh hưởng đến an ninh năng lượng cũng như cấp nước sinh hoạt.
Theo ông Nguyễn Chí Hải, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV thủy lợi Sông Tích, tình trạng nguồn nước tưới vụ Đông Xuân 2019-2020 trên các sông trong khu vực ở mực nước thấp hơn rất nhiều so với những năm gần đây. Các trạm bơm đầu mối lấy nước từ sông Hồng, sông Đà sẽ không thể vận hành hết công suất theo thiết kế, đặc biệt là trạm đầu mối Phù Sa.
Tính đến ngày 10/12, một số hồ chứa ở Hà Nội đều thấp hơn nhiều so với mực nước thiết kế, đặc biệt là Đồng Mô và Suối Hai, rất khó khăn cho việc tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp. Tại trạm bơm dã chiến Phù Sa đảm bảo vận hành khi mực nước sông Hồng thấp nhất 2,5m trở lên. Tuy nhiên, nhưng thực tế trong 5 ngày nay tại trạm sơn Tây, mực nước sông Hồng chỉ đạt 1,3m.
Công ty TNHH MTV thủy lợi Sông Tích quản lý 516 trạm bơm tưới, tiêu kết hợp. Hiện công ty đã triển khai nạo vét xong các cửa khẩu lấy nước từ sông Đà, sông Hồng, các tuyến kênh; đồng thời đã lắp đặt xong hàng chục tổ máy tại các trạm bơm dã chiến ở Phù Sa, Sơn Đà… Do địa hình, Hà Nội sẽ phải dùng 3 - 4 cấp bơm thì mới có thể đưa nước đến chân ruộng. Các trạm bơm dã chiến dự kiến sẽ phải vận hành toàn bộ, trạm bơm chính gần như không thể hoạt động trong điều kiện thủy văn năm nay.
Ông Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đề nghị, EVN cố gắng đảm bảo thời gian và duy trì mực nước trong các đợt lấy nước thì các công trình thủy lợi mới khai thác được nước.
Từ thực tế, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết, có xả hết công suất ở hồ thủy điện cũng không thể đảm bảo mực nước ở Hà Nội đạt 2,2m. Hà Nội chủ yếu lấy nước trong đợt 3, do đó thành phố cần có kịch bản chi tiết trong lấy nước cho vụ Đông Xuân này, thậm chí chi tiết đến mức ngày nào, giờ nào nước sẽ đến đâu.
Ông Ngô Sơn Hải, Phó tổng giám đốc EVN cho biết thêm, năm nay rất nguồn nước ở các hồ thủy điện rất khó khăn. Nguồn nước từ thượng nguồn về các hồ thủy điện thấp kỷ lục. Từ khi vận hành các hồ thủy điện, chưa có năm nào như năm nay là không có lũ, không có nước từ nguồn về. Hiện nguồn nước ở hồ Hòa Bình chỉ đạt 54% dung tích hữu ích. Dự kiến sau 3 đợt xả hồ Hòa Bình sẽ còn 8% dung tích hữu ích, hồ Tuyên Quang còn 8,4%... Như vậy, các hồ coi như về mực nước chết.
Để giữ nguồn nước, ngay từ tháng 10, EVN đã phải huy động các nguồn năng lượng khác như tăng nhà máy chạy dầu, than, khí… Ông Ngô Sơn Hải mong các đơn vị có các giải pháp lấy nước hiệu quả nếu không thì sẽ khó đảm bảo các nhiệm vụ về an ninh năng lượng, nguồn nước sạch cho Thủ đô sau khi xả nước.
Lịch lấy nước phục vụ gieo cấy lúa vụ Đông Xuân 2019 - 2020 khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc bộ đã Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông báo, gồm 3 đợt, tổng cộng 18 ngày. Đợt 1: Từ 0 giờ 00’ ngày 20/1 đến 24 giờ 00’ ngày 23/1/2020 (4 ngày); đợt 2: Từ 0 giờ 00’ ngày 5/2 đến 24 giờ 00’ ngày 12/2/2020 (8 ngày); đợt 3: Từ 0 giờ 00’ ngày 19/2 đến 24 giờ 00’ ngày 24/2/2020 (6 ngày).
Bích Hồng (TTXVN)
|
Phân định cụ thể tầng tum, tầng lửng cho các công trình xây dựng
( Theo :https:/)
Thông tư số 07/2019/TT-BXD của Bộ Xây dựng có hiệu lực từ ngày 1/1/2020 sửa đổi, bổ sung, thay thế một số quy định tại Thông tư số 03/2016/TT-BXD của Bộ trưởng Bộ Xây dựng quy định về phân cấp công trình xây dựng và hướng dẫn áp dụng trong quản lý hoạt động đầu tư xây dựng.
Đáng chú ý, một số thay đổi liên quan tới các quy định về tầng tum, tầng lửng tại công trình xây dựng một cách cụ thể.
Theo Thông tư 07, số tầng của tòa nhà (hoặc công trình) bao gồm toàn bộ các tầng trên mặt đất (kể cả tầng kỹ thuật, tầng tum) và tầng nửa/bán hầm, không bao gồm tầng áp mái.
Công trình có tầng tum sẽ không tính vào số tầng của công trình khi chỉ dùng để bao che lồng cầu thang bộ hoặc giếng thang máy, bao che các thiết bị công trình (nếu có), phục vụ mục đích lên mái và cứu nạn, có diện tích không vượt quá 30% diện tích của sàn mái.
Đối với nhà ở riêng lẻ, tầng lửng không tính vào số tầng của công trình khi diện tích sàn tầng lửng không vượt quá 65% diện tích sàn xây dựng của tầng ngay bên dưới.
Với các công trình nhà, kết cấu dạng nhà, công trình nhiều tầng có sàn (không bao gồm nhà ở riêng lẻ) thì tầng lửng không tính vào số tầng của công trình khi chỉ bố trí sử dụng làm khu kỹ thuật (ví dụ: sàn kỹ thuật đáy bể bơi, sàn đặt máy phát điện, hoặc các thiết bị công trình khác), có diện tích sàn xây dựng không vượt quá 10% diện tích sàn xây dựng của tầng ngay bên dưới và không vượt quá 300 m2.
Đặc biệt, mỗi công trình chỉ được phép có một tầng lửng không tính vào số tầng của công trình.
Ngoài ra, Thông tư 07 của Bộ Xây dựng còn quy định cụ thể về các loại hình công trình như: nhà ở riêng lẻ, nhà chung cư, công trình đa năng (công trình hỗn hợp)…; quy định cụ thể về chiều cao của nhà, công trình, kết cấu; cách tính tầng trên mặt đất, tầng hầm (hoặc tầng ngầm), tầng nửa/bán hầm (hoặc tầng nửa/bán ngầm), tầng kỹ thuật, tầng áp mái…
Thời gian qua, tại một số địa phương đã xảy ra nhiều vụ tranh chấp giữa chủ đầu tư các chung cư, tòa nhà với cư dân xoay quanh diện tích sử dụng chung, tầng hầm, tầng tum…
Do đó, Thông tư 07 có hiệu lực với những hướng dẫn về quy định, cách tính toán, xác định cụ thể các hạng mục này tại công trình xây dựng được kỳ vọng sẽ phân định rõ ràng, tránh tình trạng lợi dụng “kẽ hở” để chuyển đổi, “nhập nhằng” mục đích sử dụng gây khiếu kiện.
Thu Hằng (TTXVN)
|
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đề nghị Đồng Nai rà soát lại việc thu thuế nội địa
( Theo :https:/)
Ngày 11/12, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cùng đoàn công tác của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đã làm việc với tỉnh Đồng Nai về tình hình thu chi ngân sách và phòng chống buôn lậu, hàng gian, hàng giả.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, Phó Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, chủ trì buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Đồng Nai.
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đánh giá cao nỗ lực của Đồng Nai trong để thu ngân sách địa phương năm 2019 đạt và vượt chỉ tiêu do Trung ương giao.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đề nghị tỉnh Đồng Nai, đặc biệt là Cục thuế Đồng Nai rà soát lại việc thu thuế nội địa, bởi năm 2019, tốc độ tăng thu của Đồng Nai chỉ đạt 9%, đây là thấp hơn mức trung bình chung của cả nước (cả nước 10%). Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng của Đồng Nai vẫn duy trì ở mức cao, doanh thu của doanh nghiệp tăng trưởng cao nhưng tốc độ tăng thu thuế ở mức thấp là không hợp lý.
Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng đề nghị tỉnh Đồng Nai khẩn trương thực hiện các biện pháp giải ngân vốn đầu tư công; trong đó có dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành là dự án trọng điểm của quốc gia.
Về đấu tranh phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia đề nghị các lực lượng chức năng; trong đó có cơ quan quản lý thị trường, hải quan tăng cường hơn nữa việc thanh tra, kiểm tra đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, nhất là dịp Tết Nguyên đán sắp tới.
Theo báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai, tổng thu ngân sách địa phương đến ngày 9/12/2019 đạt 50.176 tỷ đồng, đạt 92% so với dự toán; trong đó, thu nội địa là 34.700 tỷ đồng, đạt 93% so với dự toán, thu xuất nhập khẩu là 15.476 tỷ đồng, đạt 91% so với dự toán.
Dự ước thu ngân sách nhà nước cả năm 2019 của Đồng Nai đạt 54.430 tỷ đồng, đạt 100% dự toán giao và tăng 8% so với cùng kỳ năm 2018; trong đó, thu nội địa đạt 37.330 tỷ đồng, thu thuế xuất nhập khẩu 17.100 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Phú Cường, Bí thư Tỉnh uỷ Đồng Nai cho biết, liên tiếp trong hai năm 2017 và 2018, Đồng Nai hụt thu ngân sách nhà nước, không đạt chỉ tiêu. Tuy nhiên, với quyết tâm của các cấp chính quyền địa phương, năm 2019 tỉnh đã đạt và vượt thu ngân sách. Dù vậy ông Cường cũng lo lắng vì chỉ tiêu về thu ngân sách chung của tỉnh trong năm 2019 đạt nhưng cơ cấu thu lại không đạt.
Cơ cấu thu phần lớn phát sinh từ các khoản thu tiền đất như thu tiền thuê mặt đất mặt nước đạt 220%, thu tiền sử dụng đất đạt 333%.
Trong khi đó, các khoản thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh (khoản thu chiếm tỷ trọng lớn trong tổng thu nội địa) thì lại đạt rất thấp như: thu từ doanh nghiệp nhà nước trung ương (chỉ đạt 79%), thu từ doanh nghiệp nhà nước địa phương (đạt 88%), thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (chỉ đạt 79%), đã ảnh hưởng rất lớn đến số thu điều tiết của ngân sách địa phương được hưởng (đạt 92%).
Đối với việc phòng đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, năm 2019, lực lượng chức năng Đồng Nai đã phát hiện, bắt giữ 4.959 vụ vi phạm, xử lý 4.880 vụ thu nộp ngân sách nhà nước hơn 793 triệu đồng.
Tin, ảnh: Sỹ Tuyên (TTXVN)
|
ADB nâng dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam
( Theo :https:/)
Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã nâng mức dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong cả năm 2019 và 2020 từ lần lượt 6,8% và 6,7% lên 6,9% và 6,8%, bất chấp tăng trưởng của các quốc gia châu Á đang phát triển đều dự báo hạ do ảnh hưởng của tăng trưởng kinh tế "hạ nhiệt" tại Trung Quốc và Ấn Độ.
Hoạt động vận chuyển hàng hóa tại cảng Cát Lái. Ảnh: Tiến Lực/TTXVN
Theo báo cáo về triển vọng kinh tế mới nhất công bố ngày 11/12, ADB hạ dự báo tăng trưởng của các nước châu Á đang phát triển từ 5,4% trong năm 2019 và 5,5% trong năm 2020 xuống còn 5,2% trong năm 2019 và 2020.
Đối với Trung Quốc, ADB hạ dự báo tăng trưởng ước tính 6,2% và 6,0% đưa ra hồi tháng 9 vừa qua, xuống lần lượt là 6,1% và 5,8% trong năm 2019 và 2020, cho rằng căng thẳng thương mại Mỹ - Trung cũng như giá thịt lợn tăng cao hơn ảnh hưởng tới tiêu dùng là những yếu tố chính cho sự điều chỉnh xuống này.
Nhà kinh tế hàng đầu của ADB, ông Yasuyuki Sawada, cho rằng trong khi tốc độ tăng trưởng vẫn khá vững chắc ở các nước châu Á thành viên ADB, căng thẳng thương mại kéo dài giữa các nền kinh tế lớn đã gây thiệt hại cho khu vực và vẫn là rủi ro lớn nhất đối với triển vọng kinh tế trong dài hạn.
ADB cũng hạ dự báo cho nền kinh tế lớn nhất Nam Á là Ấn Độ trong các tài khóa 2019 và 2020 từ mức 6,5% và 7,2% xuống lần lượt 5,1% và 6,5% trong năm 2019 và 2020. Lý do là vì tình trạng thiếu thanh khoản của các công ty tài chính phi ngân hàng và thị trường lao động ghi nhận mức tăng trưởng khá thấp.
Tăng trưởng của Đông Nam Á năm nay cũng dự kiến sẽ thấp hơn một chút so với dự báo trước đây, khi các nền kinh tế phụ thuộc nhiều thương mại như Singapore và Thái Lan đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung và tình trạng giảm tốc tăng trưởng trên toàn cầu.
Phương Hoa (TTXVN)
|
Giá ô tô giảm hàng trăm triệu đồng, doanh số bán vẫn không có đột phá
( Theo :https:/)
Dù đang bước vào mùa mua sắm cao điểm cuối năm và giá xe giảm mạnh, có mẫu xe giảm giá hàng trăm triệu đồng nhưng doanh số bán hàng của toàn thị trường ô tô Việt Nam tăng trưởng không như kỳ vọng.
Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho biết, trong tháng 11/2019, doanh số bán hàng của các đơn vị thành viên đạt 29.846 xe, chỉ tăng 3% so với tháng 10/2019, nhưng lại giảm 3% so với cùng kỳ năm 2018.
Mẫu xe được trưng bày tại Triển lãm Ô tô Việt Nam 2019 (Vietnam Motor Show 2019 - VMS 2019). Ảnh: Mỹ Phương/TTXVN
Nếu cộng với doanh số bán 7.592 xe Hyundai trong tháng 11/2019 của TC Motor vừa công bố, tổng lượng xe ô tô bán ra trên thị trường trong tháng qua đạt tổng cộng 35.638 xe các loại.
Bên cạnh đó, thị trường ô tô Việt Nam còn có sự góp mặt của các thương hiệu Audi, Jaguar, Land Rover, Mercedes-Benz, Subaru, Volkswagen, Volvo… và VinFast là thành viên của VAMA nhưng không công bố doanh số hoặc tạm dừng gửi báo cáo bán hàng cho VAMA nên số liệu trên chưa thể phản ánh toàn cảnh sức tiêu thụ của thị trường ô tô Việt Nam.
Trong tổng doanh số bán hàng của các đơn vị thành viên VAMA trong tháng 11 vừa qua, có 22.312 xe du lịch, tăng 4%; 7.203 xe thương mại, giảm 0,3%; và 331 xe chuyên dụng, giảm 9% so với tháng 10/2019. Còn xét theo xuất xứ xe, trong khi doanh số bán của xe lắp ráp trong nước đạt 16.595 xe, chỉ tăng 1% thì doanh số bán xe nhập khẩu là 13.251 xe, tăng 5% so với tháng 10/2019.
Tính chung 11 tháng năm 2019, tổng doanh số bán hàng của các đơn vị thành viên VAMA đạt 289.128 xe các loại, tăng 14% so với cùng kì năm ngoái; trong đó có 212.361 xe du lịch, tăng 23%; 71.954 xe thương mại, giảm 3,9%; và 4.813 xe chuyên dụng, giảm 27%.
Nếu tính theo số liệu được công bố của VAMA và 70.802 xe của TC Motor, trong 11 tháng năm 2019 toàn thị trường Việt Nam có tổng cộng 359.930 xe ô tô các loại được bàn giao đến tay khách hàng trong khắp cả nước.
Điểm đáng chú ý trên thị trường ô tô Việt Nam trong tháng 11 vừa qua chính là nhiều doanh nghiệp như Toyota, Mazda, Kia, Honda, Mitsubishi, Nissan thực hiện các chương trình khuyến mãi, ưu đãi, giảm giá bán xe hoặc hỗ trợ lệ phí trước bạ từ hàng chục đến hàng trăm triệu đồng nhưng vẫn không thể kích cầu doanh số bán xe.
Trong đó có thể kể đến Toyota ưu đãi 100 triệu đồng gồm hỗ trợ lệ phí trước bạ, 1 năm bảo hiểm thân vỏ, phiếu dịch vụ miễn phí áp dụng cho một số phiên bản của dòng xe Vios, Altis, Fortuner và Innova. Mitsubishi Việt Nam cũng tặng quà, hỗ trợ phí trước bạ đến 91 triệu đồng cho khách mua xe. Kia và Mazda cũng ưu đãi từ 10 triệu đến 60 triệu đồng kèm quà tặng. Honda giảm giá đến 45 triệu cho khách mua Mua HR-V và City…
Tuy nhiên, mức giảm mạnh nhất thuộc về thương hiệu xe sang BMW giảm giá từ 100 triệu đến 300 triệu đồng, trong đó có 3 phiên bản giảm nhiều nhất là 218i, giảm 280 triệu; 520i giảm 290 triệu và bản 320i giảm đến 300 triệu đồng…
Với mức giảm trên ở hầu hết các phân khúc, dòng xe và thị trường ô tô Việt Nam hiện nay không còn tình trạng bán xe kênh giá hoặc khách hàng muốn mua xe phải mua thêm phụ kiện, nhưng doanh số bán xe cũng không thể tăng trưởng đột biến như kỳ vọng của doanh nghiệp.
Theo nhận định của giới chuyên doanh, cùng với tình trạng ùn tắc giao thông ở các thành phố lớn, đặc biệt là Hà Nội và TP Hồ Chí diễn ra thường xuyên vào giờ cao điểm và tình trạng ô nhiễm môi trường, không khí ảnh hưởng nguy hiểm đến sức khỏe, nhiều người đã chuyển sang sử dụng phương tiện công cộng cho thuận tiện, điều này cũng góp phần khiến doanh số bán xe không tăng trưởng mạnh…
Giới chuyên doanh cũng cho rằng, thị trường ô tô Việt Nam có thể tăng tốc vào tháng cuối năm dương lịch khi người lao động nhận được những khoản tiền thưởng, hay thành quả tích cóp cả năm. Đây cũng là thời điểm bước vào cao điểm mùa mua sắm cuối năm âm lịch khi Tết Nguyên đán đang cận kề, ai cũng có nhu cầu mua sắm, hay đổi xe đi chơi trong năm mới.
TTXVN/Báo Tin tức
|
|
Trang tin địa phương
Thông tin thị trường
Giá vàng hôm nay
|